““Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn anh em về niềm hy vọng của anh em.” ”(1Phêrô 3:15)
Quí TĐCTT chí thiết của em trong Năm Thánh Lữ hành Hy vọng 202
Trong những lần liên lạc với các vị thừa sai giáo sĩ và tu sĩ ở Việt Nam cho chuyến Hành Hương Thánh Mẫu Thừa Sai Bác Ái Xuyên Việt Năm Thánh 2025,
em đã nhận được hồi âm của một Vị Linh mục Chánh xứ thuộc một dòng tu đang phục vụ ở một Giáo xứ Truyền giáo thuộc Giáo phận Nha Trang,
trong đó, ngài đã trình bày cho chúng ta, qua em, biết về tình hình nhân sinh của giáo dân cùng lương dân ở địa phương Giáo xứ của ngài,
em xin phổ biến chung ở đây như một tiêu biểu cho các Giáo xứ Truyền giáo nói riêng và các khu vực truyền giáo của Giáo Hội ở Việt Nam nói chung.
Con kính chào Ông,
Trước hết, con rất vui và cảm kích khi đọc được những thông tin, hình ảnh Ông đăng tải về những chương trình thiện nguyện của Ông và Nhóm TĐCTT ở khắp nơi. Từ đó con cũng mạnh dạn chia sẻ một chút về Giáo xứ Tầm Ngân, một giáo xứ truyền giáo mà con đang phục vụ.
Con là Lm. Giuse Phan Hoàng Huy, SVD, quàn xứ Giáo xứ Tầm Ngân. Con được Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam gửi đến làm việc tại đây từ tháng 9 năm 2023.
Giáo xứ Tầm Ngân toạ lạc tại Thôn Tầm Ngân 1, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Địa bàn Giáo xứ có khoảng 4.200 người dân. Trong đó, có 440 hộ gia đình công giáo với số nhân danh khoảng 2.300. Bà con giáo dân chiếm đến 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho và Raglai. Phần người dân còn lại theo đạo Tin Lành hoặc không tôn giáo.
Đời sống kinh tế của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn vì sinh sống trên dải đất cằn cỗi, sỏi đá và thuộc vùng khí hậu nắng nóng khô hạn kéo dài nhiều tháng trong năm. Người dân trong làng hầu hết không có đất dưới bằng hoặc có rất ít nên họ phải canh tác trồng bắp trên núi cao, một năm trồng một vụ mà thôi. Họ cũng trồng thêm chuối trên núi và chăn nuôi thêm bò. Việc thu hoạch bắp, chuối cũng rất vất vả tốn nhiều chi phí nhân công vì phải mang từ trên núi xuống bằng gùi hoặc vác trên vai. Ngoài ra, một số đi làm mướn cho người khác, công việc lúc có lúc không mà tiền công cũng rất rẻ: nữ thì 200.000đ/ngày; nam thì 240.000đ/ngày.
Do kinh tế gia đình kém nên không đủ điều kiện cho con cái đi học. Rất nhiều người lớn không biết chữ. Tỉ lệ các cháu thiếu nhi bỏ học sớm rất nhiều, đa số chỉ học tới lớp 5, lớp 6 mà thôi. Từ chỗ tri thức kém nên cứ ở trong vòng xoáy của lạc hậu, thiếu thốn, tệ nạn, mai một bản sắc văn hoá tốt đẹp (bị kinh hoá) và nhiều thiệt thòi khác khi vươn ra với thế giới bên ngoài.
Trước những thực trạng trên, con đang tập trung vào việc giáo dục cho thiếu nhi và giúp các gia đình canh tác nông nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Song song đó là phục hồi, duy trì bản sắc văn hoá. Đối với các cháu trong độ tuổi đi học, chúng con mở những lớp dạy học thêm tại nhà thờ để dạy: toán, việt văn, kỹ năng sống... Với những hộ gia đình thì hướng dẫn kiến thức canh tác nông nghiệp và trợ vốn để phát triển. Những gia đình nghèo, người già neo đơn, người ốm đau tàn tật, chúng con tìm cách giúp đỡ gạo, mắm muối, đường, sữa mỗi tháng để chia sẻ cái ăn hằng ngày. Đồng thời hướng đến dạy viết tiếng K’Ho...
Với những gì đang thực hiện, chúng con rất cần đến sự giúp đỡ của nhiều người để có kinh phí trả cho các cô giáo dạy học sinh, sách vở, tập viết cho thiếu nhi; hỗ trợ hạt giống, phân thuốc để các hộ gia đình canh tác nông nghiệp; thực phẩm tối thiểu cho những người khó khăn.
Con xin gửi kèm thêm một vài hình ảnh dạy học, thăm viếng và trồng tỉa với người dân.
Con,
Lm. Giuse Phan Hoàng Huy, SVD
Xin theo dõi tiếp ngày mai: Một Giáo xứ Truyền giáo tiêu biểu - Hiệp hành thừa sai
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU